Đất mẹ không thể nuôi nổi những đứa con của mình
Figure 1: Đất mẹ

Figure 1: Đất mẹ

Chuyện này ai cũng biết rồi, thế nên người ta mới bỏ xứ đi làm culi, đủ thể loại, mạt hạng hay cao cấp phòng lạnh thì cũng chỉ là culi. Thế nên những thứ con người ngày nay bỏ vào miệng, một phần không trực tiếp mọc lên từ đất mẹ, mà là đào lên theo đúng nghĩa đen.

Miền tây trong ấn tượng của tôi là một mảnh đất trù phú, vì sự trù phú đó mà con người có cái chất giọng phỡn phỡn, còn như đứa con gái tôi quen thì lúc nào nó cũng cười, ngay cả khi tôi la nó bằng vẻ cáu kỉnh khó ở thường ngày của tôi. Thế nhưng không cần sống ở miền tây, tôi cũng biết ngay là vùng đất đó đã thay đổi. Chỉ bằng 2 tác giả viết về miền tây là Sơn Nam và Nguyễn Ngọc Tư. Tôi đọc Sơn Nam từ thời sinh viên, cái giọng văn của ông nó bàng bạc, như một người kể chuyện hơn là chăm chút vào trau chuốt câu từ. Ẩn sâu trong câu văn là một tâm hồn thảnh thơi, khoáng đạt, người đọc cảm nhận sự chân chất, vô ưu phiền dù câu chuyện Sơn Nam kể có là chuyện trai gái chia ly, giựt hụi hay bị cá sấu ăn thịt đi nữa.

Nguyễn Ngọc Tư thì khác, cũng cái mảnh đất miền tây đó thôi, nhưng trong truyện của Nguyễn Ngọc Tư, nó đã nhỏ đi hơn rất nhiều, buồn bã và vô vọng. Nó vô vọng như hoàn cảnh của người nông dân ở xứ này, mong muốn phát triển nghề nghiệp và thịnh vượng cho gia đình mà chẳng đào đâu ra một cơ hội, cũng là cái vẻ bàng bạc, nhưng là sự bàng bạc trong cảm giác đang bị lãng quên. Trong câu văn của tác giả này, chỉ thở thôi cũng đã thấy mệt.

Nói dài dòng như vậy, chỉ để nhắn các bạn rằng, cùng một đất mẹ, nhưng hoàn cảnh sinh trưởng của con người khác nhau thì sẽ tạo nên tính cách khác nhau. Tâm lý học đã chứng minh, nền tính cách của con người phát triển chỉ trong 3 năm đầu đời. Nếu bạn đã lỡ sanh con trong thời buổi dịch bệnh như thế này, thì phải che mắt chúng, đừng cho chúng thấy sự khắc nghiệt ngoài kia, khi chúng còn quá trẻ.

P/S 1: người Mỹ thường thống kê thành công theo một thế hệ, họ chia nhóm thành thế hệ Vĩ đại (những người đã chiến đấu với Hitler và tái thiết đất nước), thế hệ Baby Boomer (con cái của những người sống sót qua chiến tranh, và hiện tại đang nắm giữ hầu hết tài sản của đất nước). Các bạn có biết thế hệ nào thất bại nhất không? Đó là những người sinh vào quãng thời gian Đại Suy Thoái năm 1929, cuộc đời của họ chẳng có gì nổi bật, khắc khổ và nghiệt ngã như cái năm họ đã sinh ra.

P/S 2: năm 2016, tôi đi học 1 khóa về sản phụ khoa ở Trung Quốc, đón tiếp chúng tôi và giảng bài giảng đầu tiên là ông trưởng khoa ở đó. Sau một hồi giới thiệu mấy slide về sự vĩ đại của nước tàu, ông giáo sư hỏi chúng tôi 2 câu hỏi “Trung Quốc bây giờ là một nước cộng sản hay tư bản?” và “ở Quảng Châu này, các bạn có biết người ta ăn những gì để sống hay không?”. Câu trả lời cho câu thứ 2 là: “mọi thứ, kể cả gián, chuột và sâu bọ”. Ôi, đất mẹ!


Last modified on 2021-10-04