Về Huyền Chip và tất cả các em chip chip

Lúc đầu cũng không định viết về Huyền Chip, nhưng bởi vì đã lỡ mua và lỡ đọc sách của em ấy rồi (cuốn tập 1, chỉ vì thấy bìa sách thiết kế ấn tượng, chứng tỏ tác giả có chú tâm biên tập tử tế vào cuốn sách của mình) và tôi thấy sự việc ngày càng nhuốm màu chính trị xã hội nên điều đó thúc giục tôi phải viết vài lời.

Tôi ngờ rằng Huyền Chip đang là nạn nhân của một chiến dịch làm nhục và hạ uy tín cá nhân (trẻ trâu bây giờ gọi là “dìm hàng”) một cách kinh điển nhất của Tổ Chức. Ban đầu sẽ là một bè lũ thiên lôi, ma quỷ không biết từ đâu xuất hiện moi móc từ câu từng chữ của đối tượng nhằm tìm ra cái sai, cái vô lí trong đó. Tất nhiên là ai cũng có đôi lúc sai, hoặc không nhất quán trong hành động và tư tưởng (nhất là đối với Huyền Chip, em ấy vừa mới chớm tuổi hai mươi, viết một cuốn sách dài cả mấy trăm trang như thế, chuyện sai sót là điều khó mà tránh khỏi, mà sách của em nó, em nó có quyền thêm thắt và lược bỏ). Từ những bới móc trên, chúng mở rộng ra công kích đời tư cá nhân vốn không liên quan gì đến sự việc, lôi kéo cả một cộng đồng rộng lớn vốn trước đây không biết đối tượng là người nào bu vào tấn công đánh hội đồng như ruồi bu mật (các bạn trước vụ này xảy ra có biết Huyền Chip là con khỉ gió nào chưa). Điều này có thể lôi kéo theo cả những người thân xung quanh đối tượng tham gia, họ vô tình hay cố ý sẽ có thái độ và hành động nghi ngờ và phủ nhận đối tượng, làm đối tượng bị cô lập thêm, sẽ rất đau khổ dằn vặt. Sau đó, một vài vị nào đó bước ra, tự xưng là người trí thức uy tín (giáo sư, tiến sĩ, viện sĩ…này nọ, tất nhiên cũng là người của Tổ Chức), vị này phán những lời như thôi rồi, viện dẫn ra những lí luận vô cùng uyên thâm và trừu tượng, sau đó nhân danh nhân dân cộng đồng phán rẳng đối tượng có tội cần phải xét xử, mà không cần phải qua tòa án xét xử (trong trường hợp này có thể là Foolbrighter Trần Ngọc Thịnh, tay này tự xưng là đi du học ở Mỹ về mà trong cách ăn nói không có lấy một chút Mỹ tính nào, toàn những lời giáo điều như từ trường chính trị bước ra, như là: “đất nước còn nghèo, thế hệ trẻ phải lo làm ăn và đóng thuế, không được đi du lịch này nọ, như vậy là hưởng thụ, là sống vị kỷ cá nhân”). Cuối cùng, một vị nào đó từ chính quyền hay Tổ Chức xuất hiện, cũng không phải thẩm phán hay quan tòa mà thực sự cũng không cần những người đó, vị này nói là vụ việc trên đã gây ảnh hưởng đến sự ổn định xã hội và sự an bình của nhân dân. Người này cũng không cần biết đối tượng đúng hay sai, nhưng chân lí thuộc về số đông, nhất là trên đất nước của nhân dân vì nhân dân này, vì vậy đối tượng sẽ phải vui lòng mà nhận tội. Đến đây, đối tượng sau bao nhiêu bão táp và cũng đã quá mệt mỏi vì bị đánh hội đồng, thường sẽ chịu nhận cho xong, coi như mình đã hi sinh vì nhân dân, còn nếu đối tượng vẫn ngoan cố thì sẽ dùng các chế tài bạo lực thực sự (nóng hoặc nguội).

Vì sao Tổ Chức phải tốn công tốn sức tổ chức cả chiến dịch trên nhằm vào một con bé ham ăn, ham chơi vừa mới qua tuổi hai mươi? Bởi vì Tổ Chức vẫn còn rất ám ảnh với nạn thuyền nhân. Sau bao nhiêu năm đã trôi qua, sau bao nhiêu buổi chiều héo hắt trên quê hương, nạn thuyền nhân (hay chính xác là chảy máu nhân lực) vẫn luôn diễn ra, có chăng là bây giờ nó âm thầm hơn mà thôi, dưới hình thức du học, xuất khẩu lao động, cưới chồng nước ngoài, hay làm vận động viên đi du đấu rồi trốn luôn ở ngoại quốc. Với tư cách là một người đã từng đi bụi 14 ngày ở Trung Quốc chỉ với tổng cộng 14 triệu đồng, tôi xin khẳng định là không có nhiều sự khác nhau giữa người đi phượt như Huyền Chip và những người liều mình chèo con thuyền nan lao ra biển khơi mịt mù. Đó là cách làm thế nào để đi đến một nước khác, hòa nhập và tìm cách nhận sự giúp đỡ của cộng đồng sở tại, với một chi phí ban đầu rất khiêm tốn. Thực sự, Tổ Chức rất lo ngại phong trào đi phượt trong giới trẻ hiện nay, nhất là phượt ở nước ngoài. Đi phượt, không giống như du lịch cưỡi ngựa xem hoa với chi phí cao ngất ngưỡng, các bạn trẻ đi phượt với chi phí khiêm tốn, sẽ có cơ hội sống cùng với dân bản địa, tìm hiểu tư tưởng lối sống của họ, cũng như chế độ chính trị của các nước khác. Từ đó không tránh khỏi sự so sánh qua lại giữa nước ngoài và nước mình, rằng ở đâu mới đích thực là thiên đường trần thế và đi đến đó sống cũng không quá tốn kém như vẫn tưởng.

Các bạn có thấy khi Ngô Thị Giáng Uyên viết “Ngón tay mình còn thơm mùi oải hương” hay Dương Thụy viết “Venise và những cuộc tình Gondola”, cũng là dạng kí sự kể về những nơi đã đi qua, những người đã gặp và những kỉ niệm đã trải qua giống như Huyền Chip đã viết. Cũng có thể các cô này cũng có thêm thắt chút đỉnh cho sách của mình hoàn thiện hơn, vậy tại sao lúc đó không có phong trào đả kích này nọ. Tại vì các cô này may mắn? tại lúc đó chưa có mạng xã hội như bây giờ? Tại các cô này đẹp gái hơn Huyền Chip nên dễ lấy được thiện cảm hơn? Tôi cho rằng bởi vì châu Âu dưới ngòi bút của các cô này hiện ra như là một vùng đất thơ mộng, huyền ảo và thần tiên. Đọc các cuốn sách trên, người ta thường có một cảm giác lãng mạn lâng lâng, như là đọc truyện cổ tích, nhưng đọc xong rồi thôi, còn phải trở về với đời sống thường nhật. Châu Âu là châu Âu, cơm áo vẫn là cơm áo, cố gắng làm việc và đóng thuế để có ngày nào đó đủ tiền đi đến đó du lịch. Còn Huyền Chip đã viết rất cụ thể những gì đã trải qua, về cách cô ta xin chỗ ngủ qua đêm, bị bỏ rơi như thế nào, tìm sự giúp đỡ của những người bạn địa phương như thế nào và cả những cách kiếm tiền trên đường đi ra sao. Các bạn có để ý những nước Huyền Chip đã đi qua chưa bao giờ là châu Âu hay Bắc Mỹ không? Có thể là vì việc xin visa đối với một đứa đi bụi VN vào các nước đó rất khó khăn, mà không phải qua con đường du học như Dương Thụy đã làm, phần nữa là vì chi phí sinh hoạt đi lại ở đây khá đắt đỏ, dân mới đi phượt ít kinh nghiệm thường không chọn những nước này. Như vậy, thực ra Huyền Chip đã khá là chân thật trong cuốn sách của mình.

<blockquote>

Cuộc đời không phải là một bộ phim, vì vậy nó không cần phải mạch lạc, dễ hiểu và làm hài lòng số đông công chúng.

</blockquote>

Qua việc này, tôi cũng muốn có đôi lời gởi đến các bạn trẻ. Lẽ thường, làm người mới khó, chứ làm thú thì quá dễ. Thú thì có nhiều loại: cừu, sói, heo, chó, đại bàng, cánh cụt…Cha mẹ các bạn đã tốn bao khó nhọc sinh ra các bạn trong một đất nước độc lập, tự do, hạnh phúc này. Hãy sống như một con người độc lập và tự do, đừng cố gắng gán ghép mình trở thành một con thú nào đó. Lạy các bạn!

thanhgo, đại bàng không biết bay


Last modified on 2013-10-04