Thưở mới xa nhà, ý tôi là cái thời năm nhất đại học ấy, như bất kì đứa sinh viên y nào, tôi phải chọn cho mình một cuốn atlas giải phẫu. Do chẳng có anh chị nào để sách lại hay tư vấn gì, tôi đã ấn tượng và chọn cho mình cuốn giải phẫu của 2 ông người Nhật. Không giống tụi sinh viên khác thường chọn sách của Netter, toàn hình vẽ, sách của tôi là hình người thật, xác thật, thịt thật và xương thật, giá 400k (lương ba tôi gởi mỗi tháng hồi đó là 700k, huhu). Bà bán sách lúc đó cũng can ngăn, nói cuốn đó chỉ dành cho bác sĩ phẫu thuật thôi, sinh viên nên chọn mấy cuốn hình vẽ cho dễ hiểu, nhưng tôi không chịu.
Rốt cục thì bà bán sách nói đúng thật, cuốn đó chẳng giúp ích gì được cho con đường học y khoa tăm tối của tôi. Học kì 1 năm đó, tôi đã thi lại môn giải phẫu, hic. Chỉ có một điều bổ ích, như cuốn sách đó nói, để tự biện minh cho sự tồn tại của một cuốn sách giải phẫu người thật trong một rừng sách hình vẽ: là tình yêu con người. Các tác giả hi vọng khi ta lật từng trang sách và tham quan thực tế cấu trúc cơ thể người được mổ xẻ tỉ mỉ qua từng lớp rõ ràng. Trong ta sẽ bừng lên tình yêu tinh khiết nhất với một sinh vật đang nằm trên bàn tiêu bản kia, và nó có tên gọi là con người. Bất chấp khi còn sống nó có làm gì đi nữa, nó xứng đáng được yêu, với tư cách là một sinh vật đã từng sống.
Và những lời nói ấy trong cuốn sách đầu đời ấy thực sự thì nó có ám ảnh tôi thật. Nhất là khi tôi nhìn các em gái, ấn tượng đầu tiên không phải là ngoại hình, mà là tình yêu phổ quát của tôi đối với sinh vật đối diện đó.
Và khi bắt đầu cầm máy ảnh, tôi đã có một dự án riêng cho mình, đặt tên nó là “tình yêu con người”, chuyên bắt những khuôn hình ngẫu nhiên nhất của những khuôn mặt người đang sống hết mình trong khoảnh khắc của chính họ.
Và tình yêu đó vẫn tiếp diễn mỗi ngày…bất chấp những gì xảy ra đi nữa…
P/S: mới mua cuốn sách giải phẫu nên dâng trào cảm hứng, hehe
Last modified on 2021-02-20