Tại sao Trung Cổ
Figure 1: The flower seller

Figure 1: The flower seller

Khi đọc về lịch sử trung cổ, tôi không khỏi đặt ra trong đầu một câu hỏi: tại sao thời kì này lại diễn ra, tại sao những người La Mã hùng mạnh lại chịu khuất phục và tình trạng trì trệ về kinh tế và khoa học kéo dài cả ngàn năm, mà người ta thường hay gọi là đêm trường Trung Cổ. Hay tại sao lịch sử lại diễn ra như vậy, sao không để cho kỉ nguyên của La Mã phát triển rực rỡ hơn nữa, mà thay vào đó bằng các quốc gia lãnh chúa cát cứ và con người chìm trong u tối.

Nhưng thực ra, nếu nhìn kĩ, các tiến bộ khoa học vẫn diễn ra trong đêm trường ngàn năm ấy, dù rất chậm. Các công trình kiến trúc, đền đài, lâu đài vẫn nguy nga tráng lệ đâu thua kém gì thời kì trước kia. Chỉ khác nhau ở chỗ các công trình La Mã mang tính phô trương nhiều hơn và các công trình trung cổ mang đậm tính tôn giáo và phòng thủ giữa thời đại phong kiến cát cứ ấy. Đến đây thì tôi tự hỏi, liệu chúng ta lấy tiêu chí phát triển khoa học và kinh tế để đo độ phát triển của một xã hội liệu có đúng không? Liệu lịch sử có quan tâm gì đến việc chúng ta xây được đền Pathenon hay phóng tàu vũ trụ lên mặt trăng? Nếu xét trên các tiêu chí ấy thì thời trung cổ thua xa thời kì La Mã trước đó.

Thế nhưng mạch đời vẫn trôi, con người vẫn sống và lịch sử vẫn tiếp diễn. Có bao giờ bạn tự hỏi, tại sao hầu hết các game đều lấy bối cảnh trung cổ, những phim truyền hình ăn khách nếu không phải bối cảnh hiện đại thì cũng là trung cổ? Tại sao những câu chuyện cổ tích mà bạn nghe, về ông vua và lâu đài, hiệp sĩ đi cứu công chúa, con rồng phun lửa, phù thủy làm phép và đủ thứ quái vật trong rừng sâu… đều là từ thời trung cổ không? Nếu xét về mặt thời gian, thời trung cổ nếu so với thời La Mã thì đâu có cổ xưa hơn. Đã bao giờ bạn nghe một câu chuyện cổ tích về thời La Mã chưa? Để ý sâu hơn, những câu chuyện về đế chế La Mã hay xa hơn nữa, đều là các câu chuyện thần thoại. Thứ thực sự sống trong câu chuyện đó là các thần, chứ không phải con người. Thần thoại có tác dụng hiệu triệu mọi người, tin vào một ý niệm chung, từ đó tạo nên một quốc gia hay một tổ chức làm việc cho một mục tiêu chung (thấy quen không, ở thời đại chúng ta có tư tưởng này, chủ nghĩa kia, văn hóa công ty, bla bla). Trong khi đó, những câu chuyện cổ tích, dù có rồng có rắn, đều là câu chuyện về con người, trong đó con người thực sự sống, thực sự yêu và thực sự đam mê chế cháo những điều phù thủy. Khi làm việc trong một tổ chức, chúng ta chỉ đóng một vai diễn của mình, diễn xong 8 tiếng rồi quay về chuồng, coi vài chương trình tivi rồi lên giường để rồi lại mai đóng tiếp vai đó. Đó là cuộc sống của người nô lệ La Mã, tin vào đủ điều thần thoại và xây dựng các công trình vĩ đại, những nghiên cứu vĩ đại, và những tư tưởng vĩ đại.

Fuck tất cả những thứ vĩ đại!

Ấy thế, xã hội càng phát triển, quyền quyết định chỉ phụ thuộc vào một vài người, rất ít người được chơi trò chơi toàn năng của mình, tất cả số đông còn lại đều phụ thuộc vào trò chơi ấy. Chẳng ai thực sự sống cả! Nếu con người không sống thì làm game, đóng phim truyền hình kể về con người thời La Mã liệu có ăn khách? Xét về khía cạnh nào đó, thời trung cổ tiên tiến hơn các thời đại trước đó? Câu trả lời cũng đã có người giải rồi, cái nước Bhutan ấy các bạn, người ta không coi trọng việc kinh tế hay khoa học, người ta lấy việc tối đa hóa chỉ số hạnh phúc của người dân làm kim chỉ nam.


Có người so sánh trí tuệ con người chẳng khác gì cái lông của con chim công, nó chỉ để làm đẹp, và hấp dẫn bạn tình. Để rồi sau đó, cũng cái con chim công ấy phải lội vào vũng bùn để mổ thức ăn. Cái lông công tươi đẹp ấy có giúp được nó kiếm thức ăn nhiều hơn hay chỉ là để nó cảm thấy kiêu hãnh hơn các con vật khác, cũng trong vũng bùn?

Đến một trình độ nhất định, thì trí tuệ của con người chẳng kiếm thêm được thức ăn và chả khác gì thứ làm cảnh, như lông con chim.


Thời tôi còn chơi guitar, có một bài tập luyện ngón của Carulli, chơi một điệu rondo. Rondo là vũ khúc ngày mùa, sau khi nông dân thu hoạch lúa mì xong, họ cuộn các bó lúa mì lại, đốt một vài bó thành một đống lửa, tổ chức party và cùng nhau nhảy múa xung quanh đống lửa ấy.

Nhiều lúc mệt mỏi quá, tôi tự hỏi liệu mình có muốn cuộc sống của mình diễn ra như thế này, hay tôi chỉ muốn như một anh nông dân lù khù trên đồng, dụ khi mấy cô thôn nữ trong bụi rơm và tới ngày mùa thì nhảy điệu rondo.


Last modified on 2019-02-05