Quyền lực, hiểu theo một phương diện, cũng giống như một cấu trúc nâng đỡ, như là một tòa tháp, một công trình kiến trúc hay một tổ hợp cơ khí phức tạp. Nhìn bề ngoài, quyền lực thật huyền diệu. Nó mang lại cho một người hay một tổ chức nhiều khả năng phi thường khi có thể điều khiển được ý chí và hành động của một nhóm người khác. Tuy nhiên, bỏ qua những thứ hoa hòe rối mắt bề ngoài ấy, quyền lực của một cá nhân hay tổ chức thông thường chỉ có một hoặc hai trụ đỡ chính, thông thường sẽ là sức mạnh khởi thủy tạo nên quyền lực và phương cách xuyên suốt nhằm duy trì quyền lực đó. Các trụ đỡ này rất đa dạng: có thể là sức mạnh quân đội, kĩ nghệ mới, cấu trúc tổ chức, văn hóa công ty, bí quyết kinh doanh, cho đến kĩ năng cốt yếu, sự thân hữu hoặc tính cách đặc biệt đối với cá nhân. Ví dụ như: khi Lưu Bang lập nên nhà Hán, ông ta không có quân đội thiện chiến như Hạng Vũ, ông chiến thắng bằng khả năng khiển tướng của mình. Trương Lương, Tiêu Hà, Hàn Tín nắm công đầu trong việc thống nhất thiên hạ, tất cả đều nằm dưới trướng của Lưu Bang. Một khi đã nắm quyền, nhà Hán đã cho thi hành Khổng giáo, nhằm đảm bảo sự trung thành của quan lại và duy trì quyền lực của triều đại được hơn 400 năm. Như vậy, ta thấy ở đây chỉ có 2 cột trụ của quyền lực: thuật dụng nhân và Khổng giáo.

Lẽ thường, người ta xây dựng quyền lực bằng phương cách nào thì cũng sẽ xuống theo thế ấy. Có thể có sự khác nhau trong cách cai trị, nhưng thời điểm hạ bệ của một triều đại hay một vị lãnh đạo, hay sự suy thoái của một công ty đều xảy ra ngay tại thời điểm mà các trụ cột quyền lực trên trở nên phai nhòa. Dĩ nhiên, các trụ cột vật lí thì dễ bị đánh bại hơn các trụ cột tâm lí, vì tiến bộ công nghệ hoặc cưỡng bách tòng quân dễ làm hơn là thay đổi một ý tưởng đã ăn sâu vào cộng đồng. Đó cũng là nguyên nhân mà đạo Phật được tiếng là hiện thân của sự từ bi, còn Thiên Chúa là tình yêu, cũng như các công ty chi hàng tỉ đô la để thuyết phục người tiêu dùng rằng sứ mệnh của công ty họ gắn liền với một khái niệm nào đó của xã hội.

Trong ví dụ trên, nhà Hán đã sụp đổ bắt đầu từ sự bất tuân của hệ thống quan lại. Vua Hán không còn có thể điều khiển các tướng lãnh của mình và bị Tào Tháo quản thúc. Có thể có nhiều biểu hiện bề ngoài khác trong quá trình sụp đổ của nhà Hán, cũng như có nhiều trường hợp suy thoái quyền lực bắt nguồn từ cấp dưới bất tuân lệnh. Tuy nhiên, nhà Hán đã không tan rã vì ngoại xâm hay các cuộc khởi nghĩa của nông dân. Bởi vì khi quan lại hoành hành và Khổng giáo suy thoái báo hiệu cho sự vỡ vụn của những trụ cột chính yếu, nhà Hán đơn giản là không biết làm gì hơn để tiếp tục cai trị khi những thế mạnh của họ không còn nữa. Đó là lúc họ buông xuôi và tan rã.

Tất cả chúng ta đều chỉ là con người, chứ không phải là một trí tuệ toàn năng. Chúng ta chỉ có thể tập trung vào một hoặc hai mục tiêu xuyên suốt trong sự nghiệp của mình mà thôi. Hãy chọn những mục tiêu này cẩn thận, bởi vì khi chúng mất đi cũng có nghĩa là bạn đã hoàn thành sứ mệnh của mình và cán cân quyền lực đã dịch chuyển đến nơi khác, cho dù bạn vẫn còn nắm quyền trên danh nghĩa đi chăng nữa. Bạn có thể lên chức trưởng phòng bằng sự thân hữu, quen biết, sau đó bạn nâng cao kĩ năng chuyên môn để duy trì vị trí đó. Hãy coi chừng thời điểm mà thế lực chống lưng cho bạn suy yếu cũng như các kĩ năng của bạn dễ dàng bị thay thế. Đó là nguyên nhân vì sao mà tôi luôn cho rằng đi lên bằng sự thân hữu là phương pháp đạt được quyền lực kém chắc chắn nhất (cho dù đó có thể là cách dễ nhất)

Để kết thúc, tôi xin đưa ra sự kiện sau: trong đại hội lần thứ 4 của Quốc tế Cộng sản, V.I. Lenin đã có một bài diễn văn tựa đề “những đỉnh cao chỉ huy” để nói về những ngành kinh tế có thể kiểm soát được hiệu quả bởi nhà nước và từ đó hỗ trợ cho các ngành khác. Ông ta gọi khái niệm này là chủ nghĩa tư bản nhà nước, mà sau này được triển khai thành hàng loạt các “quả đấm thép” trong các ngành sản xuất trọng yếu, thay vì phải kiểm soát toàn bộ hoạt động kinh tế đất nước như trước đó. Bất chấp những yếu kém và không hiệu quả lộ rõ của cơ chế này, vì nhiều nguyên nhân như tham nhũng, xóa bỏ cạnh tranh, độc quyền sản xuất, lãng phí tài nguyên; những người cộng sản vẫn khăng khăng bảo vệ nó. Vì sao vậy? Bởi vì đó là một cột trụ quyền lực.