Ngày xưa, tôi đã từng cố gắng tìm kiếm một phương pháp tư duy không phụ thuộc vào ngôn ngữ. Tôi đã cho rằng ngôn ngữ không đủ sức để mô tả hết các trạng thái. Mà thực vậy, vốn từ ít ỏi của các ngôn ngữ không thể nào mô tả được hết thế giới tự nhiên. Tư duy theo ngôn ngữ sẵn có sớm muộn gì cũng sẽ đi đến chỗ bế tắc. Một lựa chọn của tôi khi đó là tư duy dựa thẳng trên quan niệm và cảm xúc, tuy nhiên các lựa chọn này rất khó thực hiện cũng như khó tái hiện và không thể mô tả chính xác sự kiện.

Nhưng tôi quên mất sự hiện diện của văn học, âm nhạc và các kí hiệu toán học. Con người thông minh hơn tôi đã từng nghĩ rất nhiều. Họ tự nhận thấy các giới hạn của các công cụ mà họ đang có. Bởi vì những băn khoăn của tôi ở trên mà văn học mới được đưa thành một bộ môn nghệ thuật. Bởi vì những giới hạn đó của ngôn từ mà thông thường nhà văn phải mất nguyên cả trang giấy để mô tả một ý tưởng hoặc tái dựng lại một cảm xúc trong lòng người đọc.

Và bên cạnh ngôn ngữ còn có âm nhạc, kể cả âm nhạc có ngôn từ và không có ngôn từ. Tùy vào thời điểm khác nhau và kinh nghiệm sống khác nhau của tôi qua các thời kì, có thể tôi sẽ cảm nhận bài nhạc khác nhau nhưng về mặt cảm xúc tổng thể chung đã được hằng định khi nghe. Vì vậy, gu âm nhạc hoặc thói quen âm nhạc của một người sẽ định nghĩa trạng thái cảm xúc thường trực của người đó. Các con nghiện âm nhạc có thể hiểu như các con nghiện cảm xúc mà mỗi bài nhạc đem lại, hoặc cả dòng nhạc đem lại (như bolero, classical hay rock … đem lại cho người nghe cảm xúc hoàn toàn khác nhau). Những người nghiện âm nhạc là những đối tượng có nguy cơ cao cho chứng rối loạn cảm xúc.

Kí hiệu toán học là một công cụ khác thay thế cho ngôn ngữ. Đây là địa hạt rộng mở và đang được phát triển. Khác với ngôn ngữ truyền thống đã được phát triển từ xưa và có rất ít cập nhật qua mỗi năm. Các khái niệm toán học được bổ sung qua thời gian. Thậm chí một tổ hợp các khái niệm cũng mô tả được một trạng thái mới của tự nhiên (ví dụ: gia tốc là m/s^2). Ngành vật lí và tài chính là một ví dụ khác về tính ứng dụng các kí hiệu này để mô tả thế giới tự nhiên cũng như hoạt động kinh tế của con người. Mỗi phương trình vật lí hoặc tài chính có thể diễn giải bằng cả một chương sách và thậm chí có ý nghĩa rất sâu xa. Một khái niệm gần giống với khái niệm toán học là các ngôn ngữ lập trình. Trong đó, lập trình viên được hoàn toàn tự do tạo ra các lớp đối tượng chỉ theo trí tưởng tượng hoặc yêu cầu của công việc. Đến đây, ngôn ngữ thông thường và khái niệm toán đan quyện vào nhau và tạo ra những khả năng rộng lớn.

Tóm lại, sự phát triển của con người gắn liền với sự phát triển các khái niệm mà con người nhận thức. Ngôn ngữ đôi lúc bất lực trong mô tả, nhưng con người còn có các công cụ mạnh mẽ khác để hỗ trợ tư duy và giao tiếp. Và câu hỏi tôi đặt ra ở đây: liệu tôi có bỏ sót công cụ nào không và loại hình nào sẽ là mẫu hình mô tả tự nhiên tiếp theo?