Như các bạn đã biết, trong kì bầu cử Mỹ vừa qua, tôi đã đặt cửa Clinton và thua ông sếp mình 50$. Lúc đó, Clinton có lợi thế hơn Trump nhiều và vì vậy nhà cái cũng đặt mức cược tương ứng với kết quả khảo sát trước kì bỏ phiếu (Clinton kèo 1 ăn 1.3 và Trump 1 ăn 3.5). Câu chuyện mà tôi đã không kể cho các bạn là khi đó tôi đã đặt cửa Trump vào một nhà cái trên mạng, cũng với mức cược 50$. Khi Trump thắng, tôi thua sếp mình 50$ nhưng ăn 175$, kết quả tôi ăn 125$. Ngược lại, dù cho Clinton thắng, tôi ăn sếp 50$ và thua 50$, kết quả tôi sẽ hòa. Như vậy, trong cuộc chơi này tôi chỉ có từ hòa trở lên. Và niềm đam mê của ông sếp đối với Trump đã được sử dụng để tạo ra lợi thế này cho tôi. Các bạn không nghe nhầm đâu, chúng ta đang sống trong thời đại mà sự yêu thích hay đam mê cũng có thể bị đem ra trao đổi và tạo lợi thế. Kĩ thuật này được sử dụng khá nhiều trong giới kinh tế và nó được gọi là hoán đổi rủi ro.

Đó là mặt tinh thần, về mặt sản xuất, chúng ta đang tiến rất gần đến một nền sản xuất tức thời, trong đó bất kì mặt hàng nào có lợi thế sẽ bị sản xuất nhái hoặc sao chép và cải tiến bởi hàng loạt các đối thủ cạnh tranh, đặc biệt trong các dạng thị trường cạnh tranh hoàn hảo và thị trường nhóm. Người Trung Quốc hiểu nhất điều này, bởi vì số lượng nhân lực và thị trường quá đông đảo, họ hiện nay còn không thể nhận biết một nền sản xuất nào khác ngoài nền sản xuất tức thời. Một ví dụ dễ thấy là chiếc smartphone, chỉ vài năm sau khi chiếc iphone đầu tiên ra đời đã có nhiều hãng khác tham gia sản xuất và đẩy lợi nhuận biên của mỗi chiếc smartphone trở về zero.

Chúng ta đang sống trong thời đại mà mọi nhu cầu cơ bản nhanh chóng được thỏa mãn và ngược lại bất kì xu hướng nào (từ cá nhân cho đến toàn thị trường) đều có thể đem ra định giá và tạo lợi thế kinh doanh. Tất cả điều này có ý nghĩa gì đối với chúng ta?

Nó làm suy yếu hệ giá trị của mỗi người, cái đã được hình thành trong suốt thời kì thơ ấu đến hết tuổi thanh niên. Nó làm chúng ta có cảm giác vô định trong một thế giới của sự thừa mứa và thậm chí mất phương hướng về mặt đạo đức. Một ví dụ cụ thể, khi còn nhỏ tôi rất thích bánh Chocopie và không mấy khi tôi được ăn chúng. Mẹ tôi tuy là một bà mẹ dễ dãi nhưng cũng khá nghiêm khắc với con cái. Thực tế là khi đó, kiếm một cái bánh Chocopie không phải dễ do rất hiếm có trên thị trường và giá của nó cũng không dễ chịu. Khi lớn lên một chút, tôi đã cảm thấy thực sự sốc khi vào siêu thị nào cũng có Chocopie, Chocopie ở khắp mọi nơi. Dù hương vị của nó có vẻ không giống như ngày xưa, nhưng đối với tôi, cái bánh đó vẫn là một thứ gì rất đáng quý (bất kể giá của nó có rẻ đến mức nào). Đã có lần, tôi mua nguyên một hộp Chocopie và ăn 12 cái bánh trong 15ph. Một trải nghiệm thần thánh, tôi dám chắc như vại, không có gì sung sướng hơn thế! Sau khi thỏa mãn với Chocopie, tôi cảm thấy vô định đối với khẩu vị của mình. Tôi phải làm gì tiếp theo đây, bào ngư, vi cá hay là tôi nên thử tay gấu…

Mỗi người trong chúng ta đều có một khao khát nào đó khi còn trẻ và chúng vẫn kéo dài đến tận bây giờ, điều đó tạo nên hệ giá trị trong mỗi chúng ta. Các bạn có thể không được may mắn như tôi được đáp ứng dễ dàng, khi giá bánh Chocopie đã rẻ đến mức ăn nguyên cả hộp. Nhưng cái nền sản xuất tức thời này và các kĩ thuật tài chính phái sinh sớm muộn gì cũng tìm đến các bạn và kiếm lời trên những khao khát đó. Và khi đó chúng ta sẽ rơi vào cái cảm giác bất an của các giá trị nguyên thủy bị đánh mất, chúng ta lạc hướng và mò mẫm trong việc xác định lại hệ giá trị trong mình, điều gì mà chúng ta cảm thấy thực sự ý nghĩa trong đời.

Tôi sẽ đặt ra cho các bạn một vài câu hỏi hướng dẫn, hi vọng nó giúp ích:

  1. Ở trên đường các em gái mặc quần ngắn khoe cặp đùi trắng nõn gợi cho chúng ta câu hỏi vì sao chỉ trong 1 thế hệ người Việt mà chúng ta thay đổi màu da thần kì đến như vậy?
  2. Vì sao giá nhà của Việt Nam cao một cách phi lí, bất chấp mọi quy luật của thị trường?
  3. Trong giới trẻ hiện nay, 1 tuần là thời gian tối đa từ quen biết cho tới lúc dắt nhau vào hotel?
  4. Dù chủ nghĩa cộng sản đã phai nhòa, nhưng tệ sùng bái cá nhân vẫn dai dẳng. Bằng chứng là thói háo danh của người Việt, ở số lượng GS, TS đến cả sự bùng nổ các ngôi sao ca nhạc trong giới trẻ.

(đón đọc kì tới) Trong một thời đại của sự thừa mứa, liệu sự kiêng khem và tiết chế có còn có ý nghĩa?