Tôi không biết hình này có thật không, hay là dàn dựng bởi các phe phái. Nhưng tôi biết cái thứ màu vàng trong cái tô nhựa màu xanh đó là gì. Nó gọi là “mèng mén”, làm từ bột của những hạt bắp cứng như sỏi xay bằng cối đá, đổ thêm 1 chút nước, đun sôi và quậy đều. Vị của nó lạt nhách, còn dinh dưỡng thì tệ hơn cả cám heo. Tôi đã từng nuôi heo nên tôi biết, heo cũng không ăn thứ này, tôi cho heo ăn bột bắp vì nó rẻ hơn cám nhiều. Nếu chỉ đổ thứ này vào máng, con heo chỉ táp vài cái rồi quay đi, phải cho thêm bột cá, làm từ xương cá xay nhuyễn, mùi vị rất kích thích, thì heo mới ăn được. Vì sao cái thứ heo không ăn mà con người lại ăn? Con heo đơn giản nó sẽ nói: “kệ mịa, mày cứ thịt tao làm heo sữa quay nếu muốn, nhưng cho tao ăn thứ này thì đừng hòng tao ăn”. Đó là bởi vì con người có trí khôn.

Bởi vì có trí khôn nên con người có hi vọng. Họ chấp nhận một cuộc sống tệ hơn con vật, để hi vọng rằng tương lai sẽ khá hơn. Nhưng hi vọng là thứ mong manh dễ tan, cần phải được nuôi dưỡng mỗi ngày. Vậy nên, trách sao cho được, một thời gian sau những người này phá rẫy bắp để trồng cây anh túc. Cũng chỉ là bài toán trồng cây gì, nuôi con gì để có lợi nhất thôi mà.

Đây là phần trớ trêu nè, ngày xưa, lúc tôi còn cầm đàn guitar, tôi đã từng chơi bài “tiến về Sài Gòn” trong đại hội cựu chiến binh ở phường Nguyễn Nghiêm nơi tôi sống. Lúc đó, tôi đã từng tin những lời trong bài hát là thật và máu sôi lên trong người tôi là thật. Trớ trêu hơn nữa, bài hát quốc ca của Việt Nam Cộng Hoà là bài “tiếng gọi thanh niên” cũng của chính nhạc sĩ cộng sản Lưu Hữu Phước này sáng tác. Đủ để thấy độ phức tạp của cuộc chiến tương tàn, nó không trắng đen rõ ràng như bạn nghĩ đâu.