Nếu các bạn quen biết tôi lâu ngày, hẳn các bạn sẽ biết tôi là đứa tình cờ đi lạc vào trường y. Vậy nên, những năm đầu đại học ấy, nhìn tôi rất ngơ ngác. Tôi thường hay cúp tiết để chui vào thư viện quốc gia, lôi ra vài cuốn sách toán để đọc cho đỡ ghiền. Vào một buổi chiều kia, tôi cầm lên cuốn sách tên là “lí thuyết toán tử”, của một tay nào đó mà tôi quên tên rồi ở Hà Nội viết từ thời bao cấp rồi in lên cái loại giấy còn tệ hơn giấy gói bánh mì (chắc là dịch lại từ bọn Nga ngố thôi). Nói một cách tầm thường, phép cộng và phép nhân cũng là một toán tử. Nhưng tay này, bằng một cách nào đó, đưa cách sử dụng toán tử lên một tầm nghệ thuật và giải gần hết các dạng phương trình hàm mà tôi biết, huhu. Bạn biết đó, những gì mà tôi trăn trở và thao thức trong 3 năm cấp 3 thì tay này chỉ giải quyết trong một ý tưởng mở rộng của toán tử. Tôi đọc một mạch cuốn sách chỉ trong buổi chiều hôm đó, rồi ngồi thờ người ra (sách toán, cũng như tiểu thuyết ngôn tình, nó đầy yếu tố logic và quan hệ đan xen trong đó, khác ở chỗ sách toán thì mối quan hệ giữa 2 đối tượng được quy định chỉ bằng vài kí tự quy ước sẵn, nên nó có vẻ tường minh hơn). Tôi cảm giác như, nếu Chúa có thực sự tồn tại, ngài sẽ tạo ra thế giới chỉ bằng một ý tưởng đơn giản (để khi mà chúng ta biết được, cả tâm trí và cơ thể chúng ta sẽ như bừng sáng, mà trong Phật giáo người ta gọi là đốn ngộ: giác ngộ một cách bất ngờ). Nhưng đức Chúa sẽ không toàn năng như ta nghĩ, ngài chỉ đóng góp cái ý tưởng nguyên thủy đó thôi, còn lại toàn bộ sự vận động sau đó do tự nhiên quyết định tự thân nó. Ngài tạo ra sự hỗn loạn nhưng không kiểm soát sự hỗn loạn đó.
Vậy đó, chúng ta là những kẻ sinh sau, thế giới có trước chúng ta từ rất lâu rồi. Chúng ta nhìn thế giới đầy hỗn loạn này mà lòng đầy hoang mang. Thế rồi chúng ta cũng sống sót được và tìm được sự bình yên trong sự hỗn loạn đó, coi nó chính là 1 phần của bản thân sự thật về thế giới. Thế nên, chúng ta cố gắng giải thích nó bằng chính bản thân sự hỗn loạn mà ta nhìn thấy. Thế nào cũng có ngày chúng ta gục ngã, bởi vì như Einstein đã nói: không thể giải quyết một bài toán bằng chính bộ não đã đặt ra bài toán đó được. Chúng ta cần một sự khai minh từ những trí tuệ cao hơn, hoặc những góc nhìn khác hơn. Như cái cảm giác mà tôi đã cảm được khi đọc cuốn sách toán cũ đó, đó dường như là cảm giác khi thoáng nhìn thấy dáng hình của Chúa, thấy được một phần sự thật mà ngài đã che dấu chúng ta bằng sự hỗn loạn của thế giới.
Rồi các phương trình hàm đối với tôi cũng trở nên tầm thường. Ngày nay, tôi chỉ cần vài lệnh Mathematica là hầu như các vấn đề đó sẽ được giải quyết. Giờ thì trong đầu tôi lại có những bài toán khác, tinh tế hơn và tổng quát hơn. Tôi không còn nhiều tham vọng sẽ giải được những vấn đề đó. Thay vì liên tục truy vấn bản thân để tìm kiếm lời giải, tôi vẫn còn mong được khai sáng từ một gã vô danh may mắn nào đó đang vật vờ trên thế giới này. Để điều tôi khao khát hôm nay, ngày mai sẽ trở thành tầm thường. Ấy chính là sự tiến bộ.
http://adit.io/posts/2013-04-17-functors,_applicatives,_and_monads_in_pictures.html
Để giải thích cho cái link chia sẻ: lập trình hàm đang trở thành động lực chính cho ngành kĩ nghệ thông tin, dù nó vẫn còn nhiều khiếm khuyết. Một ngày nào đó trong tương lai, chúng ta sẽ nghĩ về cách lập trình hướng đối tượng như hiện nay: chúng ta liên tục định nghĩa sự vật y như cách chúng ta thấy, cho dòng diện chạy qua chạy lại trong CPU, rồi hi vọng bài toán tự nó sẽ được giải quyết, cuộc sống con người rồi sẽ thăng hoa. Ôi, thật ấu trĩ biết bao! Nhưng đó là điều mà chúng ta đang tin.