Ở Quảng Ngãi có một cái thư viện tỉnh, phòng đọc rộng thênh thang và kho sách của phòng mượn rộng đến 2 tầng hầm. Tôi có lẽ là độc giả duy nhất cho đến bây giờ được mấy bà thủ thư ở đó đặc cách cho vào kho mượn của thư viện để muốn đọc cái gì thì đọc, muốn cầm cuốn nào về thì cầm. Tôi quen mặt với mấy bà thủ thư đến nỗi, khi bố tôi đi làm thẻ thư viện, mấy bà đó nhận ra ổng ngay, nói sao ông này giống thằng T ghê gớm.
Ở cái tuổi 17 cuồng si, ngoài việc tụ tập trước nhà thằng Kiên canh mấy em gái đi học về thì hú như chó sói, tôi đã có rất rất nhiều thời gian ở cái tầng hầm đó. Mặc dù trong thời gian đó, tôi chẳng quan tâm gì khác ngoài mấy bài toán, nhưng tôi đã đọc rất nhiều thứ khác nữa. Từ các truyện dài của Victor Hugo, tiểu thuyết diễm tình của Emily Bronte, thơ Xuân Quỳnh, cho tới cách chăn nuôi heo, chăm chim cảnh, tôi cũng không bỏ qua các công nghệ web thời thượng khi đó, rồi sẵn tiện chơi luôn ngôn ngữ lập trình C. Cho tới một ngày, tôi cầm lên một cuốn sách kể về cách mạng văn hóa những năm 60 ở Trung Quốc. Tôi không cần các bạn phải cảm thông, nhưng cái đầu ngây ngô của đứa trẻ 17 tuổi ấy đã bị cuốn hút ngay vào các câu chuyện lịch sử nước tàu cận đại, đầy bạo lực, đau thương và phi luân. Trong nhiều khoảnh khắc, tôi đã có cảm giác mình như một tiểu tướng hồng vệ binh. Rồi tôi đọc sách chuyên sâu về chính trị, đặc biệt là các tác phẩm của Lenin, như: bàn về nhà nước, nhà nước và cách mạng…
Một ngày, tôi cầm về nhà cuốn “Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán”. Mục tiêu của Lenin đối với cuốn sách là xốc lại tinh thần anh em, vốn đã quá chán chường dẫn đến tự huyễn hoặc sau thất bại của cách mạng 1905. Trong ngôn ngữ chính trị phương Đông, nó có một từ với ý nghĩa tương đương, “trị phong”, trị cái phong thái làm việc, dù người đó chẳng làm cái gì sai cả. Các bạn cũng không nghe lầm đâu, ngay cả với Lenin, vốn là tượng đài của rất nhiều thế hệ con người trong quá khứ, cũng đã từng sai lầm và thất bại với cách mạng 1905. Để sau đó đã phải sống lưu vong ở Thụy Sĩ, chán chường đến mức thú tiêu khiển duy nhất của ông là đi dạo quanh cái hồ trước nhà vào mỗi sáng.
Đêm hôm đó, ông bô tôi rất tức giận về những thứ mà tôi đã đọc. Hai cha con cãi nhau và kết quả là tôi đã đi ra khỏi nhà. Lang thang trong thành phố cả đêm hôm đó, tôi đã suy nghĩ rất nhiều về cuộc đời mình. Với cái đầu non nớt của đứa trẻ 17, tôi đã vạch ra rất nhiều khả năng, nhiều con đường, mà giờ nghĩ lại không lẽ mình lại cười thầm một mình.
Cái sự thâm độc của chủ nghĩa cộng sản không nằm ở kinh tế, vũ khí, kho tàng, con người hay bất kì cái gì hữu hình, mà chính bởi vì nó đơn giản chỉ là một ý tưởng. Chính bởi vì cái cốt lõi phi vật chất của cộng sản đó, nó dễ dàng vượt qua các cú sốc kinh tế, quân sự hay thậm chí bỏ đói cả một dân tộc, nó cũng không cảm thấy hề hấn gì. Chết một nỗi, trí não con người vốn chỉ là những con vượn biết mặc áo và sống trong nhà bê tông, hoàn toàn không kiểm soát được sự tồn tại của các ý tưởng. Nó giống như tiên đề thứ 5 của hình học Euclid, thừa nhận nó đúng cũng được mà không đúng thì cũng không sao, mỗi cách thừa nhận sẽ vẽ ra cả một thực tại mới. Các ý tưởng như một giống loài virus, một khi đã cấy vào tâm trí con người, người ta sẽ thích nghi với nó, hoạt động theo đúng ý muốn của nó và tìm cách lan truyền nó cho những người khác.