Anh chồng tội nghiệp mà mình kể trong ngày 16 đã chuyển viện, lần này bà vợ gọi mình vào 1h sáng (lại 1h sáng, hic). Lại thêm một cậu trai trẻ lên đường, to con, sinh năm 1989, có vợ và 1 con nhỏ. Mình cho thở oxy bằng cái bình hàn xì không ăn thua nữa, gọi tiếp viện, nhắn cho bà vợ chuẩn bị đồ đạc cho chồng lên đường. Và lần này mình có hẳn 1 chiếc xe cứu thương cho đoạn đường 300m. Trước khi xe cứu thương đến, người điều phối của mình nhắn bệnh nhân đem theo 1 cái ghế bố để nằm trong khu cấp cứu vì đến ghế bố cũng đã hết rồi (bệnh nhân làm gì có ghế bố ông nội!), bà vợ nói thôi em lên phòng coi có chiếc chiếu nào sạch đem cho chồng, nhưng xe cứu thương đến nhanh, mình nói tay bệnh nhân lấy đại 1 chiếc chiếu cũ của bệnh nhân xuất viện bỏ lại rồi cặp theo lên xe. Vợ chồng họ chưa kịp chào từ biệt, và theo mình quan sát qua 3 tuần ở đây thì hiện chưa có ca nào chuyển đi điều trị ổn rồi chuyển lại cả.

Trong hành trang anh đó mang theo có giấy tờ tùy thân, 1 cái ba lô đồ đạc và 1 cái điện thoại. Cái điện thoại là mình nhấn mạnh, họ sẽ còn giữ tin về nhau, chừng nào cái điện thoại còn pin và tay đó còn đủ tỉnh táo để bấm nút. Theo mình thấy thì nhiều gia đình đã mất liên lạc với nhau, giờ không biết liên hệ ai trong bệnh viện để biết về tình hình của người thân của mình. Vô phương. Bọn mình chuyển viện đến bệnh viện nào, cũng phải liên lạc trực tiếp bác sĩ nào đã chịu trách nhiệm nhận, chứ không phải liên lạc chung với bệnh viện, thì một người nhà bình thường biết lấy ai để gọi, mà nếu có gọi được thì người kia làm gì đủ thẩm quyền để trả lời. Giữa thế kỉ 21 đầy tiện nghi, nhưng ta vẫn rất dễ lạc mất nhau như thời người ta còn dùng bồ câu đưa thư. Tại sao người ta không làm một hệ thống thông tin người bệnh Sar-Cov-2 để người ta có thể tra cứu như cả triệu thí sinh tra điểm đại học, trong khi nhân viên y tế đang phải nhập liệu cùng một dữ liệu cho 3 hệ thống khác nhau. Về mặt kĩ thuật, những chuyện này đâu có gì khó, dễ dàng hơn điều trị COVID rất nhiều.

Một lưu ý nữa là nếu người bệnh tử vong, bệnh viện sẽ thông báo cho người nhà theo số điện thoại đăng kí và thiêu xác chỉ trong 24 giờ. Nhưng ngặt một nỗi, nhiễm COVID đâu phải nhiễm từng người, mà là cả gia đình đang đi cách ly. Nên nhiều khả năng, nhiều gia đình sẽ chỉ nghe tin báo tử qua điện thoại từ nơi cách ly và rất lâu sau mới nhận tro của người nhà mình về.

Trong một diễn biến khác, TpHCM đã thành lập tổ tư vấn chính sách chống dịch. Anh em đồng nghiệp của mình thắc mắc, trong danh sách này chẳng có người nào bên ngành y, thực ra có thầy Đỗ Văn Dũng, nhưng thầy bên y tế công cộng và chỉ chuyên về thống kê. Tại sao không có một người chuyên về virus học. Con virus này có đặc tính sinh học thế nào, nhóm bệnh nhân nào hay trở nặng, vaccine nên phân bổ thế nào để hạn chế tử vong, phác đồ điều trị và hồi sức mới nhất là gì và nên thống nhất ở mức độ nào… toàn những câu hỏi sát sườn trong phòng chống dịch, từ đó mới sinh ra chính sách phù hợp. Một danh sách toàn những chuyên gia kinh tế đi chống dịch, chắc các bạn cũng hiểu từ xưa đến giờ, người ta xem người làm trong ngành y có trọng lượng đến đâu, và người lãnh đạo họ trọng sinh mạng hơn hay chỉ tiêu thu thuế phải đạt trong năm hơn.

Người Liên Xô đã từng có câu thế này về xã hội và nghệ thuật lao động của họ “chúng nó giả vờ quyết liệt chỉ đạo, chúng tao giả vờ làm việc và chúng mày giả vờ trả lương”. Nếu trừ chuyện trả lương ra, thì mọi thứ ở đây chẳng có gì khác. Đến viên thuốc ho cũng hết rồi.

P/S: thực ra, do đã từng học qua đại học kinh tế TpHCM, mình chẳng lạ gì việc các chuyên gia kinh tế nhảy vào các lãnh vực phi kinh tế và đề xuất chính sách. Họ ăn nói rất thuyết phục, rằng ta nên làm cái này nên làm cái kia. Nhưng đó là cho những lãnh vực dính dáng nhiều đến xã hội, như: giao thông, xây dựng…Lần này, mình cho rằng họ đã quá tự tin. Y khoa là một nghệ thuật kết hợp giữa khoa học và nhân học. Trước hết, y khoa là một khoa học chính xác (nó đã có những lý luận đi từ phân tử lên con virus rất chặt chẽ, mà trường y ở VN vẫn chưa dạy cho sv). Nếu bỏ khoa học ra khỏi y khoa, thì mọi chỉ đạo dù thành tâm đến mấy cũng chỉ là giả vờ quyết liệt chỉ đạo mà thôi.