Mình sẽ bú fame một chút, về chuyện đang được lan truyền về tay nào được gọi là bs rút ổng thở của người thân mình. Nghe qua câu chuyện sặc mùi phi lí này, đáng lẽ chúng ta sẽ bỏ qua nó như bỏ qua một câu chuyện nhảm nữa mà ta gặp trên mạng. Ấy vậy mà thời nay dường như chẳng còn ai có óc suy xét, ta lan truyền nó, nhận xét nó, trưng ra hàng đống lí luận để tô vẽ hợp lí hóa nó, làm như câu chuyện đó là có thật, và làm như lực lượng y tế sẽ sẵn lòng hi sinh mọi thứ của bản thân để cứu đời cứu người. Sặc mùi cánh tả. Khi người ta kể một câu chuyện phi lí đến không tưởng về sự hi sinh, rằng người lính sẵn sàng lấy thân mình lấp lỗ châu mai, ấy là lúc người ta đang hợp thức hóa cho sự hi sinh đến mức phi lí và phi luân ấy và yêu cầu một hành động tương tự từ các bạn. Người ta đang cần đến máu của bạn đó.

Như các bạn cũng thấy, từ lúc bắt đầu đi chống dịch đến giờ, rất nhiều anh em bạn bè nhắn gởi mình cẩn thận, giữ sức khỏe. Mình thực lòng cảm ơn những tấm lòng ấy, nhưng rất ít khi mình trả lời. Bởi vì điều đó là thừa thãi. Bỏ công học y khoa để làm gì nếu không tự lo cho sức khỏe của mình trước tiên. Nhân tiện dạo này anh em đồng nghiệp đã có nhiều người trở thành F0. Mình muốn nhắc lại rằng, lực lượng y tế trước hết cũng là con người, rằng khi một người đến lúc nguy nan, người đó sẽ sử dụng mọi nguồn lực mình có (kiến thức, tiền bạc, quan hệ, quyền lực…) để vượt qua chúng. Đó mới là suy nghĩ hợp lý của một người bình thường.

Còn sau đây là phần mình viết về chuyện thực tế, rằng bệnh nhân COVID đang thực sự được điều trị ra sao, chứ không phải là chuyện giành phần ống thở của người khác (chuyện đó có khác gì cái bánh bao chấm máu người mà mình đã viết về lúc phải đưa ra lựa chọn trong bài trước đâu)

Nếu các bạn tự hỏi người bệnh COVID được điều trị những gì tại khu dã chiến, thì đây, đây là cái giỏ thuốc mình sử dụng hàng ngày. Nó là cái hộp các tông, xỏ 4 lỗ để làm thành 2 cái quai. Trong đó chỉ có vài loại thuốc thông dụng chữa các triệu chứng như: ho, sốt, đau đầu, tiêu chảy, nhiễm trùng… Sar-cov-2 là một chủng virus mới, chưa có thuốc đặc trị, và vì vậy mọi phương pháp điều trị đang được thảo luận đều không phải là phương pháp chính xác (tất nhiên là chúng có hiệu quả ở một mức nào đó). Thật lạ lùng là dù chỉ nắm trong tay một nhúm thuốc như trên, cộng thêm cái bình oxy dạng hàn xì, mà mình lại không cảm thấy quá thiếu thốn. Có lẽ “không đau vì quá đau”, không thiếu thốn vì chẳng có liều thuốc nào là chính xác trong tình hình hiện nay cả.

Bệnh nhân không phải chỉ có triệu chứng của COVID: ho, sốt, đau ngực, đau dạ dày… mà họ còn có cả tá những thứ khác, như những người bình thường khác: từ cậu bé tuổi teen bị chín mé ở tay, anh chàng trung niên bị mụt lẹo, cho tới bà mẹ trẻ bị chảy sữa mới sanh con xong phải để con lại bệnh viện và nhớ con đến nỗi có cảm giác ghì nặng trong lồng ngực. Tính cách và sức chịu đựng của mỗi người là một trời khác biệt: từ những bà cụ có sức chịu đựng ở tầm Việt Nam anh hùng, nhưng lại có những ông bố bà mẹ liên tục gọi điện vào yêu cầu bác sĩ phải làm cho đứa con bé bỏng sinh năm 80 của họ thứ này thứ kia, chứ nó khó thở lắm, SpO2 thấp lắm, dù bệnh nhân bé bỏng tuy dỗi bố mẹ ấy nhưng chưa một lần dám than phiền với bác sĩ lần nào. Thật không thể tưởng tượng là mình đã vượt qua hết tất cả những điều trên trong 1 tháng vừa qua, chỉ bằng cái hộp thuốc bằng bìa cạc tông.

Mọi thứ rồi sẽ qua, hầu hết chúng ta sẽ qua được sông, một số người đi tàu cao tốc, số khác đi thuyền độc mộc, thậm chí có người tự bơi qua sông. Những người không qua được rồi sẽ đi vào quên lãng, như là một phần của số phận. Nhưng các bạn có biết điều gì sẽ ở lại mãi không? Đó là sự lựa chọn của bạn ở giây phút nguy nan ấy, sự lựa chọn của bạn sẽ ám ảnh bạn mãi mãi, và thay đổi số phận của bạn kể từ lúc đó.

enter image description hereenter image description here