Như vậy là mình đã về đến nhà. Sáng nay, xe của bệnh viện chở người lên thay thế. Do lúc đi, mình đi có một mình nên hôm nay họ chở đúng một bác sĩ lên thay thế. Không sai một ngày, và không thiếu một người nào, chính xác và gọn gàng. Mình có 30 phút để gom đồ đạc, bàn giao lại công việc cho tay bác sĩ mới và chào tạm biệt mọi người ở khu chống dịch. Chở mình về là một chiếc xe của hãng Phương Trang được trưng dụng để vận chuyển bệnh nhân và vật dụng chống dịch. Mình ngồi chung với tay tài xế cũng dân Nghĩa Dũng, Quảng Ngãi. Nói rất nhiều chuyện, từ chuyện Quảng Ngãi không cho người dân quay về tỉnh nhà, cho tới đời sống dân tình dạo này ra sao. Hơn một tháng ở đây, mình như ở trong trại cải tạo, trừ lúc đi chuyển bệnh hôm trước thì mình hoàn toàn cắt đứt với đời sống thường nhật. Đường phố Sài Gòn lướt qua vắng ngắt, xe chạy từ Thủ Đức vào mà có cảm giác như chạy vào một thành phố hậu tận thế. Mình vào bệnh viện, trao trả vài dụng cụ chống dịch rồi lấy xe chạy về nhà.
Trong hơn một tháng vừa rồi, mình đã trực tiếp quản lý hơn 400 F0 trong một khu nhà gồm 4 tầng lầu, hầu hết là có triệu chứng nhẹ và xuất viện. Hơn chục ca chuyển nặng và phải cấp cứu. Trong chục ca đó, chỉ có 2 ca hồi phục và quay về khu cách ly. Hơn nữa, mình cũng sử dụng ít kiến thức thống kê cơ bản, để nắm được chính xác tình trạng bệnh mình đang quản lý vào mọi thời điểm, người nào đã làm xét nghiệm, người nào chưa, kết quả thế nào, bao nhiêu phần trăm bệnh lớn tuổi, bệnh nền… Như đã nói ở bài trước, mình cũng thật bất ngờ là đã chống chọi được đến bây giờ, dù chỉ có trong tay lượng tài nguyên rất ít ỏi và phải nhận hàng chục cuộc điện thoại của bệnh nhân mỗi ngày. Chiến lược chống dịch đã thay đổi, bệnh viện dã chiến hiện đã hạn chế nhận những F0 không triệu chứng. Thay vào đó, người ta sẽ nhận những F0 bắt đầu trở nặng và hạn chế số tử vong ở mức thấp nhất.
Một tháng ở trại, mình đã học được rất nhiều kinh nghiệm về điều trị, về cách sống và cả nghệ thuật lãnh đạo. Đại dịch này không chỉ làm mỗi người trong chúng ta nhìn lại cuộc sống từ trước đến giờ, mà mình tin rằng đại dịch cũng làm cho anh em trong lực lượng y tế của Sài Gòn có cơ hội trưởng thành hơn, thay vì cứ mãi làm một quy trình được hướng dẫn sẵn như thường nhật.
Cuộc chiến của mình như vậy đã xong, mình đã chống dịch trong tâm thế của người thiện nguyện, làm hết những gì có thể cho Sài Gòn, nhưng cuộc chiến của Sài Gòn vẫn tiếp diễn, và có thể phải còn rất lâu nữa mới kết thúc.