Tôi sẽ kể cho các bạn truyện Tây Du Ký, nhưng dưới góc nhìn của một con yêu quái. Ngày xưa, nơi núi cao rừng sâu, thỉnh thoảng có những con chồn, con cáo tự tu luyện mà thành tinh, nó hoá bỏ lốt thú mà biến thành người. Đó là một nỗ lực tự học tự cường phi thường. Nếu bạn có điều kiện như Ngọc Hoàng tu luyện cả 9000 kiếp (lại có Phật tổ ở bên dạy dỗ) thì đâu cần phải nói làm gì, đằng này một con cáo vô danh một mình tu tập ở chốn hẻo lánh cũng ngộ ra được chánh quả. Tất nhiên, một hệ quả của quá trình tự tu luyện ấy là con cáo sẽ có những quan điểm hơi khác với lý thuyết đã được thống nhất chung (mấy thằng tự kỉ bây giờ nói nhiều câu khó hiểu vãi ra). Những con quái này tuy còn yếu ớt, nhưng có thể xem như một mối nguy tiềm tàng cho thế lực thiên đình.
Vì vậy, nhà Phật lẫn thiên đình đều không công nhận công sức của con cáo, con chồn ấy, mà gọi nó là yêu quái (quái có nghĩa là mày không giống tao, tao mới là duy nhất, là chân lý, là số một). Nhân tiện thầy trò Đường Tăng bước vào lãnh địa của chúng. Mà lẽ thường, 2 con hổ bước lấn vào lãnh thổ của nhau thế nào cũng sinh chuyện. Họ mượn sức của thằng lính lác Tôn Ngộ Không để dẹp luôn cái sức mạnh cát cứ chớm nở ấy, cũng không quên ghi thưởng cho thầy trò Đường Tăng đã trải qua một kiếp nạn. Một công đôi việc (họ dư hiểu là họ đi mây về gió, Tôn Ngộ Không bay đến Thiên Trúc lấy kinh trong chớp mắt, nhưng không, các chú phải kiếm đủ huân chương, ghi đủ kiếp nạn cho anh cái đã)
Tôn Ngộ Không trước làm chức quan chăn ngựa, thì bây giờ bị 2 thế lực Thiên Đình và nhà Phật vẽ ra câu chuyện thỉnh kinh để thay họ dọn dẹp những thứ họ chẳng muốn đụng tay. Xét cho cùng thì cho đến lúc lấy được kinh, Tôn Ngộ Không cũng chẳng thoát được bàn tay Phật Tổ, cũng chỉ là con khỉ múa may quay cuồng theo ý chí của họ mà thôi.