Hít chút drama SAO KÊ đang nóng trên mạng, mình sẽ chia sẻ cho các bạn cách mình đã và đang làm từ thiện và đã được nhà làm từ thiện đối đãi ra sao.

Khi sống đến một lúc nào đó, chúng ta sẽ thấy ta không thể cứ vun vén mãi cho bản thân và gia đình mãi được, nếu cứ nhận mà không cho đi, ta sẽ chẳng tiến nổi trong nấc thang trưởng thành của một đời người. Ta phải cho đi để tạo nên bản sắc và dấu ấn của mình trên cuộc đời. Nên phải khẳng định từ đầu, việc cho đi vào lại xã hội nguồn lực của một người đang có, nó không chỉ đơn giản là xuất phát từ tâm thiện nguyện của người đó, mà nó là một nhu cầu nhân bản xuất phát từ chính bản chất con người. Nhu cầu đó sẽ còn mãi, dù có bao nhiêu drama xảy ra đi nữa. May mắn là mình đã học qua một khóa tài chính công, nên mình hiểu rõ cái khó khăn của nhà làm từ thiện chuyên nghiệp, kể cả người đó có công tâm hoàn toàn, việc phân phối nguồn lực sao cho đúng người đúng việc và đạt hiệu quả cao nhất cũng là bài toán khó khăn không kém bài toán kiếm được số tiền để làm từ thiện.

Mình bắt đầu từ một quảng cáo trên facebook về một tổ chức từ thiện nuôi trẻ mồ côi rải khắp đất nước. Ban đầu, mình đã rất cẩn thận, vì chắc các bạn cũng hiểu, đồng tiền mà một người bình thường như chúng ta kiếm được nó chứa trong đó không chỉ là mồ hôi nước mắt, mà còn là sự tủi nhục. Đối với giới bác sĩ thì đó còn là rất nhiều đêm thức trắng, mà tóc mình trên đầu đã bạc quá nửa. Nên khi đưa tiền cho ai đó, chúng ta thường rất cẩn trọng và đề phòng. Mình đã lên trang web của tổ chức từ thiện đó, xem cách họ đã công khai đóng góp của các nhà hảo tâm như thế nào, tải về file excel họ đã công khai trên trang web theo nhiều tháng; mỗi tháng họ sẽ up lên từng file riêng. Sau đó, nhân dịp có chuyến công tác lên tây nguyên, vùng mình chọn từ thiện, mình đã liên lạc với trụ sở từ thiện để họ cho mình số điện thoại của người liên lạc ở trại trẻ mồ côi địa phương. Mình liên lạc với người này, hẹn ngày đến tham quan, nói chuyện với người quản lý, với giám đốc trại, cô giáo nuôi trẻ và các cháu nhỏ. (các bạn không cần phải làm như mình đâu, chỉ cần gọi điện cho họ và đọc vị thái độ của họ qua điện thoại là được rồi, nhưng tốt nhất là nên đi thăm trực tiếp ít nhất 1 lần). Sau đó mình đặt chế độ chuyển tiền hàng tháng tự động và gần như quên nó luôn, mỗi tháng mình nhận được 1 email họ gởi xác nhận đã nhận của mình bao nhiêu. Các dịp lễ lạt thì đôi lúc mình nhận 1 email tổng kết quá trình phát triển và trưởng thành của các cháu, hoặc 1 thiệp chúc mừng do các cháu nhỏ làm (rất dễ thương đó các bạn).

Có mấy thứ mình muốn chia sẻ ở đây, cho các bạn muốn bắt đầu làm từ thiện:

  • Việc cho đi đúng cách cũng khó không kém việc chúng ta kiếm tiền.
  • Nếu ta không có nhiều điều kiện thì có thể bắt đầu nhỏ hoặc rất nhỏ, chẳng ai quan tâm đâu, quan trọng là bạn đã có một cái tâm thiện nguyện.
  • Việc tài trợ từ thiện nên liên tục, với số tiền cố định không quá lớn, tránh việc dồn một đợt quá nhiều tiền, sẽ làm nảy sinh tiêu cực và khó khăn phân bổ nguồn lực cho người làm từ thiện thực sự. Theo lý thuyết trò chơi, một dòng tiền cố định vừa phải sẽ sinh ra một mối quan hệ chặt chẽ.
  • Việc từ thiện giúp cho bản thân người cho đi nhiều hơn, hơn là người được nhận.

P/S: việc miền trung năm nào cũng thiên tai bão lũ nó có nhiều nguyên nhân sâu xa mà nói hết sẽ động chạm nhiều thứ. Giải pháp chống lũ cho bắc trung bộ đã có từ thời Việt Nam Cộng Hòa, trong đó người ta sẽ xây một con sông nhân tạo từ Lào ra biển để điều tiết nước ở vùng này. Chẳng tốn bao nhiêu công sức và tiền bạc nhưng chẳng ai làm, các bạn biết vì sao không? Còn rất nhiều thứ khác để ta làm từ thiện và phân bổ lại nguồn lực xã hội, không chỉ miền trung.